CÁC TUYEN DU LICH CAN GIO

  1. Tuyến  Dần Xây - Tiểu khu 16 - Cửa biển Long Hòa
Tọa lạc ngay bên tay trái dưới chân cầu Dần Xây là Khu dã ngoại Dần Xây, có diện tích trên 48 ha với hệ sinh thái phong phú, đặc trưng và đặc biệt xuất hiện nhiều đàn khỉ đuôi dài với số lượng hàng trăm con sinh sống tại đây. Khu dã ngoại có đường đi nội bộ trong rừng, dọc các bờ sông với chiều dài gần 3 km, đan xen là các kênh rạch đẹp để du khách có thể tự do chèo xuồng ngắm cảnh, câu cá thư giãn và ngắm nhìn toàn cảnh rừng từ tháp cao. Trong khu dã ngoại có hệ thống nhà nghỉ trong rừng tạo cảm giác yên tĩnh, ấm cúng và thân thiện với thiên nhiên cho khách, quý khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản từ những sản phẩm sạch trong rừng ngập mặn Cần Giờ.
Vui chơi với khỉ tự nhiên
Chèo thuyền tham quan rừng ngập mặn
Du ngoại trên sông
Đàn khỉ đuôi dài tự nhiên
Tiếp đến, Quý khách  lên tàu (hoặc Canô cao tốc) để tham quan Hộ dân có Đầm tôm tự nhiên tại Tiểu khu16. Với hệ thống nhà nghỉ sinh thái gần gũi và khoảng không gian mặt nước, rừng rộng lớn giúp quý khách thư giãn khi chèo xuồng vào rừng để câu cá và thưởng thức tôm, cá nướng tự tay mình câu được.
Sau bữa trưa, Quý khách sẽ đi tàu theo hướng ra biển tham quan sự giao thoa của cảnh quan giữa biển – sông - rừng ngập mặn nơi đây, tham quan những trại Sò Huyết nuôi quảng canh (Sò tự lấy thức ăn từ thiên nhiên) và những ngư dân đóng đáy trên sông. 
2. Tuyến Bãi Tiên - Giồng Cá Vồ - Giồng Đỏ - Đầm Tôm tự nhiên
Hình ảnh bắt gặp đầu tiên là văn phòng bảo vệ rừng của Tiểu khu 21, tại đây quý khách có thể tìm hiểu được đời sống và các hoạt động bảo vệ rừng của những người giữ rừng. Xuống tàu ra cửa biển Ngã Bảy rộng lớn, nơi có nhiều bãi bồi lớn và hệ sinh thái đặc trưng (dân địa phương gọi là bãi Ông Tiên) để quý khách có thể tìm hiểu và lội dưới sình bắt cua, còng, cá…
Giồng Cá Vồ - Nơi xưa kia người tiền sử đã sinh sống, các nhà khảo cổ đã phát hiện trên 339 mộ chum và 10 mộ đất vào năm 1994.
Giồng Đỏ - giữa rừng ngập mặn Cần Giờ hiện hữu một gò đất đỏ bazan với những cây trên cạn sinh sống, tại đây quý khách cũng có thể được thưởng thức những trái cây đặc sản,…
Quý khách dùng cơm trưa tại dộ dân có đầm tôm tự nhiên, sau bữa trưa quý khách tự do đi dạo và câu cá giải trí trong đầm
3. Điểm trồng rừng Tiểu khu 18 - Đầm Cá tự nhiên.
Điểm trồng rừng Tiểu khu 18 với diện tích gần 50 ha đất ruộng muối bỏ hoang được nhà nước trưng thu  và giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ nghiên cứu trồng rừng và tổ chức cho các công ty, tổ chức,… cùng tham gia trồng rừng bảo vệ, phát triển Rừng ngập mặn Cần Giờ, giữ mãi màu xanh trên trái đất.
Chèo xuồng tham quan Đầm nuôi cá Chẽm của hộ dân, thưởng thức các món ăn đặc sản được chế biến từ nguyên liệu sẵn có từ tự nhiên.( Xem chùm ảnh trồng rừng)
4. Đầm Dơi - Đầm chim - Đầm cá sấu.
Đầm Dơi (Dơi nghệ): có diện tích tự nhiên 40 ha với hệ sinh thái rừng Đước thuần loài, có loài động vật đặc trưng là Dơi Nghệ (Scotophilus heathii) với sải cánh 0,5 m, trọng lượng khoảng 1 kg.
Có các loại hình giải trí: chèo xuồng ngắm Dơi nghệ; Câu cua giải trí.
Đầm Chim tự nhiên: có diện tích khoảng 602,5 ha với hệ sinh thái rừng tự nhiên gồm các loài chủ yếu: Chà là (Phoenix paludosa); Dà (Ceriops sp); Giá (Excoecaria agallocha); Dáng (Acrostichum aureum);… và là môi trường sinh thái tốt cho các loài chim sinh sống, sinh sản. Các loài động vật đặc trưng: Điên Điểng (..); Cò (Egretta garzetta); Diệc xám (Ardea cinerea); Cốc đế (..);… Mùa sinh sản vào tháng 7 – 10 hàng năm.
Loại hình du lịch: ngắm chim từ trên tháp cao được xây dựng nguỵ trang cho gần gũi với thiên nhiên, tránh làm sáo động môi trường sống của các loài chim. Đầm chim vào mùa sinh sản với bạt ngàn các loài chim đủ kích cỡ, màu sắc trải khắp diện tích của đầm chim tạo nên bức tranh chim tự nhiên tuyệt đẹp.
Đầm cá Sấu: có diện tích khoảng 20 ha, với hệ sinh thái Đầm nhân tạo có loài Đước chiếm ưu thế. Loài đặc trưng: cá Sấu Hoa Cà và cá Sấu Xiêm.
Loại hình du lịch: Du thuyền câu cá sấu; Học tập, nghiên cứu cách ấp trứng cá sấu và nuôi cá sấu con; Thưởng thức trứng cá sấu
5. Đảo khỉ - Căn cứ Rừng Sác.
 Đảo khỉ: có diện tích trên 100 ha với hệ sinh thái Đước trồng thuần loài. Loài đặc trưng: có gần 1000 con khỉ đuôi dài tự nhiên và một số loài động vật nuôi khác như: cá sấu, rái cá, trăn,..
Căn cứ rừng Sác: nơi tái hiện lại mô hình sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội Đặc công rừng Sác (Trung đoàn 10) trong chiến tranh chống Đế quốc Mỹ cứu nước.
Loại hình du lịch: Dã ngoại tham quan khỉ, bảo tang, đi canô lên lỏi trong rừng tham quan Căn cứ.
6. Bãi biển Cần Giờ.
Bãi biển Cần Giờ có bờ biển dài gần 20 km rất đặc trưng, được coi là Biển Phù Sa vì thành phần chủ yếu là cát bùn sét, bãi biển rộng bằng phẳng rất thuận lợi cho các loại hình du lịch nghỉ dưỡng tắm biển,…
Ngoài ra, Quý khách có thể tham quan các trại Nghêu nuôi thiên nhiên và thưởng thức chúng.
7. Lăng Ông Thủy Tướng - Lễ hội nghinh Ông.
Lăng Ông Thuỷ Tướng: Nơi thờ phượng của ngư dân miền biển về Cá Ông (cá Voi) – là loài thân thiện, cứu giúp ngư dân đánh cá ngoài khơi nên được bà con coi như vị thần. Nơi đây còn lưu giữ bộ xương Cá Voi lớn (dài 12 m, cao 3 m); Ngoài ra, quý khách có thể tham quan chợ thị trấn Cần Thạnh – chợ thuỷ sản của các ngư dân.
Lễ hội nghinh Ông:
Lễ hội nghinh "Ông", hay là lễ cúng cá "Ông" (cá voi) gắn liền với tục thờ cá ông phổ biến từ đèo Ngang trở vào đến Hà Tiên, đảo Phú Quốc, là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Bằng nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thuỷ tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên.

Lăng ông Thuỷ tướng được vua Tự Đức ban sắc phong gọi là Nam hải Tướng quân. Tại đây hàng năm diễn ra lễ tế rất trang trọng của ngư dân Cần Giờ để tưởng nhớ công ơn cá "Ông".
Ngày 15/8 không khí lễ hội đã diễn ra nhộn nhịp ở bên ngoài lăng với nhiều hoạt động văn hoá sôi nổi.
Sáng ngày 16/8, khoảng 10h, các vị trong hội lăng trong trang phục chỉnh tề làm lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Đoàn ghe nghinh xuất phát tại bến đò Cần Giờ - Vũng Tàu. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con hai bên phố bày lễ vật nghênh đón, khói nhang nghi ngút. Cùng với thuyền rồng rước thuỷ tướng, có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển nghênh ông. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước đi khoảng hai giờ thì quay về bến nơi xuất phát, rước ông về lăng ông Thuỷ tướng. Tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón ông về lăng.
Khi rước ông vào lăng, các nghi thức đón và tế diễn ra trang trọng, đúng với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thuỷ tướng. Ngoài lăng, có các hoạt động văn hoá văn nghệ. Vào khoảng 20 - 23h cùng ngày lễ cúng tế, hát bội vẫn tiếp tục diễn ra trong lăng. 
Sáng 17/8: từ 8h - 22h tại lăng ông Thuỷ tướng diễn ra lễ tôn vương ông Thuỷ tướng theo sắc phong. Lễ cúng có hát thờ. Sau phần lễ tôn ông theo sắc phong cũng là lúc chấm dứt lễ hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét